Xuất Huyết Tiêu Hóa (P.2): Điều trị và phòng ngừa

09-01-2023

Các Xét Nghiệm Cần Thực Hiện

Khi bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa, cần làm các xét nghiệm cơ bản ban đầu để đánh giá tình trạng thiếu máu, tình trạng rối loạn đông máu cũng như các chức năng gan và thận có bất thường hay không. Xét nghiệm tìm hồng cầu, bạch cầu hoặc vi khuẩn trong phân khi tình trạng xuất huyết chưa rõ ràng.

Nội soi dạ dày – tá tràng: là thủ thuật cần thực hiện cho tất cả bệnh nhân nghi ngờ xuất huyết tiêu hóa trên để xác định vị trí, chẩn đoán và điều trị cầm máu. Khi thực hiện thủ thuật này, người bệnh sẽ được an thần và ngủ mê. Sau đó, bác sĩ sẽ đưa ống nội soi vào miệng và xuống dạ dày. Ống soi có đèn chiếu sáng và một camera giúp gửi hình ảnh đến màn hình TV để các bác sĩ quan sát tổn thương và vị trí chảy máu. Nếu thấy bất kỳ điểm nào đang xuất huyết, bác sĩ có thể sử dụng các dụng cụ để giúp cầm máu trong lúc nội soi.

Nội soi đại tràng – trực tràng: được thực hiện khi nghi ngờ xuất huyết tiêu hóa dưới. Thủ thuật tương tự như nội soi dạ dày, nhưng sẽ đi qua đường đường hậu môn, đến đại tràng và một đoạn ruột non. Nội soi giúp bác sĩ nhận định tổn thương túi thừa, u hay tình trạng viêm ở đại tràng.

Nội soi viên nang: kĩ thuật này sử dụng một camera nhỏ có kích thước bằng viên thuốc. Bệnh nhân sẽ nuốt viên camera không dây này và nó sẽ quay lại toàn bộ hình ảnh trong lòng ruột và gửi đến thiết bị ghi hình đeo bên ngoài trong khoảng 8 giờ. Sau đó, bác sĩ sẽ xem xét các hình ảnh này, đặc biệt sẽ quan sát được ruột non, mà không thể thấy bằng nội soi dạ dày hoặc nội soi đại tràng bình thường. Sau thủ thuật, viên camera sẽ đi ra ngoài theo phân. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ cho biết vị trí chảy máu chứ không can thiệp cầm máu được.

Chụp MSCT động mạch: thường chụp động mạch mạc treo tràng trên hay dưới có thể quan sát được máu chảy trong đường tiêu hóa. Chỉ sử dụng khi máu còn đang chảy, khi nghi ngờ tổn thương loạn sản mạch và dễ dàng nhận định các túi thừa đang chảy máu. Ngoài ra kỹ thuật này còn có thể giúp can thiệp cầm máu bằng cách bơm thuốc gây co mạch hoặc làm thuyên tắc mạch.

Nội soi dạ dày – tá tràng

Điều Trị Xuất Huyết Tiêu Hóa Như Thế Nào ?

Nguyên tắc điều trị là trước tiên cần bồi hoàn lại thể tích máu bị mất, hồi sức nội khoa cho sinh hiệu ổn định. Sau đó sẽ can thiệp cầm máu và điều trị tùy theo nguyên nhân. Các trường hợp chảy máu nhẹ có thể nghỉ ngơi tại giường, ăn nhẹ, theo dõi lâm sàng và các xét ngiệm hằng ngày. Các trường hợp nặng cần điều trị tại phòng hồi sức tích cực, nằm đầu thấp, cho thở oxy nếu khó thở, truyền dịch, truyền máu khi có chỉ định.

Điều trị xuất huyết tiêu hóa trên: bên cạnh điều trị nội khoa với các thuốc ức chế bơm proton (PPI), thuốc cầm máu, thuốc kháng axit dạ dày, thuốc làm lành ổ loét… thì điều trị cầm máu qua nội soi giữ vai trò rất quan trọng trong loét dạ dày tá tràng xuất huyết. Chích hoặc kẹp clip cầm máu thường được sử dụng trong trường hợp xuất huyết nặng, đang diễn tiến. Các trường hợp xuất huyết tiêu hoá kèm theo thủng ổ loét hay kèm hẹp môn vị cần chỉ định điều trị ngoại khoa. Việc điều trị tiệt trừ vi khuẩn HP là bắt buộc khi bị loét dạ dày tá tràng do nhiễm vi khuẩn HP.

Điều trị xuất huyết tiêu hóa dưới: hồi sức nội khoa vẫn là ưu tiên hàng đầu sau đó sẽ xác định vị trí và nguyên nhân chảy máu và xử lý đặc hiệu theo nguyên nhân. Đối với xuất huyết túi thừa hay loạn sản mạch máu, có thể can thiệp cầm máu qua nội soi (chích epinephrine, đốt điện hoặc kẹp clip), hoặc nặng hơn có thể làm thuyên tắc mạch hay phẫu thuật. Các polyp hay u đại trực tràng gây xuất huyết thường xử trí là phẫu thuật. Các bệnh lý viêm loét đại tràng hay bệnh Crohn điều trị nội khoa là chủ yếu.

Phòng Ngừa Xuất Huyết Tiêu Hóa Như Thế Nào?

Để giảm nguy cơ bị xuất huyết tiêu hóa, bệnh nhân cần thực hiện các biện pháp sau:

  • Không dùng thuốc giảm đau kháng viêm quá thường xuyên, trừ khi có chỉ định của bác sĩ. Những loại thuốc này có thể gây loét dạ dày tá tràng. Ví dụ như aspirin, ibuprofen và naproxen. Nếu cần dùng những loại thuốc này thường xuyên, cần dùng thêm thuốc bảo vệ dạ dày.
  • Phát hiện sớm và điều trị triệt để các bệnh lý đường tiêu hóa như loét dạ dày tá tràng, viêm loét đại tràng…nếu có. Cần kiểm tra y tế ngay khi có tình trạng chảy máu đường tiêu hóa.
  • Dùng thuốc chẹn beta hoặc thắt giãn tĩnh mạch thực quản định kỳ để phòng ngừa vỡ giãn tĩnh mạch thực quản ở người bị xơ gan.
  • Chẩn đoán và điều trị tiệt trừ sớm vi khuẩn H.pylori nếu có: rất cần thiết để cải thiện nhanh quá trình chữa lành ổ loét và phòng ngừa tái xuất huyết. Lưu ý nội soi kiểm tra lại dạ dày sau 8-12 tuần điều trị xuất huyết tiêu hóa trên để đánh giá lại ổ loét và thực hiện sinh thiết nếu cần, loại trừ ác tính.
  • Không uống rượu bia và cà phê. Rượu có thể gây loét và giãn tĩnh mạch thực quản. Cả rượu và cà phê  đều có thể làm suy giảm khả năng lành ổ loét.
  • Không hút thuốc lá. Nicotine và các hóa chất khác trong thuốc lá vì có thể làm chậm lành loét và tăng nguy cơ bị loét tái phát.
  • Nên chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ hơn trong thời gian hồi phục. Tránh thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ. Hạn chế bữa ăn đêm và không nằm ngay sau ăn, chỉ nằm sau ăn 3 giờ.
  • Giảm căng thẳng, lo âu. Tập luyện thể dục thể thao cân bằng cuộc sống.
Bác sĩ Thuận tư vấn cho người bệnh về xuất huyết tiêu hóa

BS.CK1 Hồ Quang Thuận 

Xuất Huyết Tiêu Hóa (P.1)

Loét Dạ Dày – Tá Tràng Nhiễm Helicobacter Pylori (P.1)

Loét Dạ Dày – Tá Tràng Nhiễm Helicobacter Pylori (P.2): Cách điều trị và phòng ngừa 

Video Câu Lạc Bộ Sức Khỏe Hoàn Mỹ

Xuất huyết tiêu hóa và cách phòng ngừa | Khoa Tiêu Hóa – CLB Sức Khỏe Hoàn Mỹ

Viết một bình luận