Xuất Huyết Tiêu Hóa (P.1)

07-01-2023

Xuất Huyết Tiêu Hóa Là Gì?

Đường tiêu hóa bao gồm các cơ quan để tiêu hóa thức ăn gồm thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già (đại tràng). Xuất huyết tiêu hóa khi bất kì cơ quan nào của đường tiêu hóa (kể trên) bị chảy máu.

Xuất huyết tiêu hóa trên bao gồm xuất huyết từ các cơ quan thực quản, dạ dày, đoạn đầu ruột non là tá tràng.

Xuất huyết tiêu hóa dưới bao gồm xuất huyết từ các cơ quan bắt đầu từ đoạn tiếp theo ruột non là hỗng tràng đến đại tràng, trực tràng và hậu môn.

Xuất huyết tiêu hóa trên thường gặp chiếm tỉ lệ 70%, còn xuất huyết tiêu hóa dưới chiếm tỉ lệ 30%.

Nguyên Nhân Gây Xuất Huyết Tiêu Hóa

Có rất nhiều nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa trên, trong đó phổ biến nhất là viêm hoặc loét dạ dày tá tràng. Xuất huyết do viêm dạ dày hoặc tá tràng thường mức độ nhẹ và tự khỏi. Xuất huyết do loét dạ dày tá tràng thường nặng hơn do tổn thương làm thủng mạch máu tại ổ loét. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác gây xuất huyết tiêu hóa trên gồm:

  • Rách niêm mạc thực quản do nôn ói nhiều (Hội chứng Mallory Weiss)
  • Vỡ giãn tĩnh mạch thực quản hay dạ dày (trong bệnh xơ gan)
  • Viêm thực quản do trào ngược dạ dày thực quản
  • Ung thư dạ dày

Tương tự, xuất huyết tiêu hóa dưới dưới cũng có nhiều nguyên nhân. 95% trường hợp xuất huyết tiêu hóa dưới có nguồn gốc từ đại trực tràng. Các nguyên nhân gồm:

  • Viêm loét đại tràng (bệnh ruột viêm, do tia xạ, do thiếu máu cục bộ, do nhiễm trùng…)
  • Các mạch máu bất thường (dị dạng động tĩnh mạch)
  • Bệnh lý túi thừa đại tràng, túi thừa Meckel
  • Bệnh trĩ
  • Rách hậu môn
  • Polyp đại tràng
  • Ung thư đại trực tràng (hiếm gặp)

Xuất Huyết Tiêu Hóa Do Loét Dạ Dày Tá Tràng

Loét dạ dày – tá tràng là nguyên nhân thường gặp nhất của xuất huyết tiêu hóa trên, chiếm tỉ lệ 50%-70% bệnh nhân. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 10% bệnh nhân loét dạ dày tá tràng bị biến chứng xuất huyết này. Xuất huyết do nguyên nhân loét tá tràng nhiều gấp bốn lần so với loét dạ dày.

Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori) là nguyên nhân phổ biến nhất của loét dạ dày tá tràng. Hiện có trên 50% dân số bị nhiễm vi khuẩn này, trong đó 10%-20% bệnh nhân sẽ có triệu chứng và phát triển thành ổ loét. Những trường hợp xuất huyết mãn tính, tiến triển chậm hơn có xu hướng liên quan đến khuẩn H. pylori.

Một nguyên nhân đáng chú ý khác của viêm loét dạ dày tá tràng là do sử dụng kéo dài các loại thuốc không kê đơn như aspirin và thuốc giảm đau chống viêm không chứa steroid (Nonsteroidal Anti-inflammatory Drugs – NSAIDs) như aspirin, ibuprofen và naproxen…

Cơ chế gây xuất huyết do loét dạ dày tá tràng chủ yếu là do loét làm vỡ các mạch máu. Các ổ loét nông thường gây xuất huyết mao mạch nên số lượng ít và tự cầm. Còn các ổ loét sâu, nhất là loét xơ chai, loét vào các động mạch khả năng co mạch bị hạn chế nên xuất huyết thường ồ ạt và khó cầm.

Xuất huyết tiêu hóa

Triệu Chứng Của Xuất Huyết Tiêu Hóa

Các triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào xuất huyết tiêu hóa trên hay dưới. Một số trường hợp không có triệu chứng, chỉ phát hiện xuất huyết khi khám trực tràng hoặc xét nghiệm có thiếu máu.

Các triệu chứng của xuất huyết tiêu hóa trên có thể bao gồm:

  • Nôn ói ra máu hoặc chất nôn như bã cà phê
  • Tiêu chảy hoặc đi tiêu phân đen giống như hắc ín
  • Tiêu máu đỏ gặp trong trường hợp xuất huyết nặng, ồ ạt

Các triệu chứng của xuất huyết dưới có thể bao gồm:

  • Đi tiêu có máu đỏ là triệu chứng thường gặp
  • Cũng có thể đi tiêu phân đen nhưng ít gặp hơn

Các triệu chứng hoàn toàn có thể xuất hiện trong xuất huyết tiêu hóa trên hoặc dưới:

  • Mệt mỏi, choáng váng hoặc chóng mặt
  • Tim đập nhanh, khó thở
  • Đau bụng
  • Da xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt
  • Tiểu ít
  • Ngất hoặc lơ mơ

BS.CK1 Hồ Quang Thuận 

Xuất Huyết Tiêu Hóa (P.2): Điều trị và phòng ngừa

Loét Dạ Dày – Tá Tràng Nhiễm Helicobacter Pylori (P.1)

Loét Dạ Dày – Tá Tràng Nhiễm Helicobacter Pylori (P.2): Cách điều trị và phòng ngừa 

Video Câu Lạc Bộ Sức Khỏe Hoàn Mỹ

Xuất huyết tiêu hóa và cách phòng ngừa | Khoa Tiêu Hóa – CLB Sức Khỏe Hoàn Mỹ

Viết một bình luận