Giãn Tĩnh Mạch Thực Quản (P.1)

12-01-2023

Giãn tĩnh mạch thực quản là bệnh lý thường gặp ở những bệnh nhân xơ gan. Vỡ giãn tĩnh mạch thực quản có tỷ lệ tử vong từ  40-70% tuỳ mức độ xơ gan.

Giãn Tĩnh Mạch Thực Quản

1. Giãn tĩnh mạch thực quản là gì?

Giãn tĩnh mạch thực quản là sự phình to bất thường của các tĩnh mạch ở thực quản (đoạn nối giữa họng và dạ dày). Giãn tĩnh mạch thực quản phát triển khi dòng máu bình thường chảy về gan bị cản trở bởi mô sẹo trong gan, cục máu đông; để đi xung quanh chỗ tắc nghẽn, máu sẽ chảy qua các mạch máu khác, nhỏ hơn, chẳng hạn như mạch máu ở lòng thực quản. Những mạch máu nhỏ này vốn không thể chứa được lượng máu lớn, nên bị phình to ra, thậm chí là vỡ, gây chảy máu đe dọa tính mạng.

Hình 2: Thực quản bình thường và thực quản có giãn tĩnh mạch

2. Nguyên nhân của giãn tĩnh mạch thực quản là gì?

Có nhiều nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch thực quản, nó bao gồm các nguyên nhân có thể gây tăng áp lực lên mạch máu đổ về gan (còn gọi là tĩnh mạch cửa), như:

  • Xơ gan do các nguyên nhân khác nhau, có thể là do viêm gan cấp tính hay mạn tính, xơ gan do rượu, xơ gan bẩm sinh…
  • Máu đông (huyết khối): Một cục máu đông trong tĩnh mạch đổ về gan (tĩnh mạch cửa) có thể gây ra giãn tĩnh mạch thực quản.
  • Nhiễm ký sinh trùng: Các ký sinh trùng có thể gây hại cho gan cũng như phổi, ruột hay một số cơ quan khác của người bệnh.
Giãn Tĩnh Mạch Thực Quản

3. Dấu hiệu khi bị giãn tĩnh mạch thực quản

Giãn tĩnh mạch thực quản thường không gây ra các dấu hiệu nào, trừ khi chúng chảy máu. Các dấu hiệu của bệnh giãn tĩnh mạch thực quản khi chảy máu bao gồm:

  • Nôn ra máu lượng nhiều (thường gặp nhất).
  • Đi cầu phân màu đen, hôi.
  • Vã mồ hôi, chân tay lạnh, li bì, có thể hôn mê nếu mất máu quá nhiều.
  • Một số dấu hiệu không điển hình khác như: vướng vùng cổ khi nuốt, khó nuốt, nuốt đau.
  • Ngoài ra, người bệnh sẽ có một số dấu hiệu kèm theo của bệnh về gan như mệt mỏi, chán ăn, da vàng xạm, vàng mắt, dễ chảy máu, chảy máu chân răng hoặc máu mũi tự nhiên hoặc bầm tím,  ban đỏ ở da, hay tràn dịch trong ổ bụng. 
Hình 3: Hình ảnh vỡ giãn tĩnh mạch

4. Chẩn đoán

  • Nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng ống mềm: Là phương pháp tốt nhất để chẩn đoán cũng như điều trị giãn tĩnh mạch thực quản. Qua nội soi bác sĩ sẽ đánh giá được mức độ giãn, nguy cơ chảy máu. Từ đó, đưa ra cách chữa trị cho từng trường hợp cụ thể.
  • Ngoài ra, còn một số phương pháp khác cũng có thể dùng để chẩn đoán giãn tĩnh mạch thực quản như: Chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI). Các kết quả chẩn đoán hình ảnh giúp cho bác sĩ xác định giãn tĩnh mạch thực quản và hỗ trợ trong việc xác định nguyên nhân cũng như các bệnh lý khác kèm theo ở gan hay các cơ quan khác.
  • Siêu âm và xét nghiệp máu cũng có thể được thực hiện để tìm nguyên nhân của bệnh, mức độ hư hại ở gan hay các biến chứng khác kèm theo.

BS.CKI. Trần Quốc Phú – Đơn vị Nội soi – Tiêu Hóa

Giãn Tĩnh Mạch Thực Quản (P.2): Phòng ngừa & điều trị

Video Câu Lạc Bộ Sức Khỏe Hoàn Mỹ

Nội Soi Dạ Dày & Đại Trực Tràng Không Đau – Những Vấn Đề Người bệnh Cần Biết

Viết một bình luận