Mục lục
13-03-2023
Người phụ nữ 60 tuổi, ho dai dẳng suốt 1 tháng trời, đi nhiều bệnh viện khám vẫn chưa phát hiện dị vật do mảnh xương nằm tại phế thùy dưới phổi phải.
Dị vật đường thở là một tai nạn sinh hoạt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặc biệt ở trẻ em có nguy cơ bỏ quên dị vật, khó chẩn đoán. Mới đây, các bác sĩ BV Hoàn Mỹ Sài Gòn phát hiện và gắp thành công dị vật là mảnh xương nằm ở phế quản thùy dưới phổi phải cho người bệnh N.T.S (62 tuổi, ngụ TP HCM).
Theo người nhà bà S. chia sẻ, bà ho dai dẳng khoảng 1 tháng nay, gia đình cho bà đi khám và uống thuốc nhưng tình trạng của bà không cải thiện. 7 ngày trước khi nhập viện bà ho có đàm vàng nhiều, đau bụng sốt kèm tiêu chảy nhiều, thấy tình trạng không cải thiện nên người nhà đưa bà vào bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cấp cứu.
Tại đây, qua thăm khám, các bác sĩ nghe phổi của bà nghe âm phế bào giảm bên dưới phổi phải, chụp CT scanner ngực phát hiện có dị vật nằm trong phổi.

Sau khi thăm khám, các Bác sĩ nhanh chóng nội soi phế quản và phát hiện dị vật tại phế quản thùy dưới phổi phải, sau đó tiến hành gắp thành công dị vật đường thở ra ngoài. Dị vật đã gây tổn thương – viêm phổi cho người bệnh. Nếu không được phát hiện và gắp kịp thời rất có thể gây ra viêm phổi hoại tử, áp xe phổi mạn tính, suy hô hấp.

Ngay sau khi được phát hiện và gắp thành công, người bệnh đã khỏe,đỡ ho, không khó thở, đàm loãng và đã xuất viện và đã xuất viện về nhà sau 3 ngày điều trị.
ThS.BS. Nguyễn Thị Hà – Khoa Nội Tổng Hợp, BV Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết, hóc dị vật là một tai nạn ăn uống thường gặp ở cả người lớn và trẻ nhỏ, có thể gây tử vong hay di chứng nặng nề. Nhiều người bệnh không nhớ mình từng bị nuốt các dị vật trong quá trình ăn uống như xương, hạt đậu,…và thường bỏ qua nếu bệnh không gây khó thở, chỉ phát hiện và đến khám vì ho kéo dài, điều trị viêm phổi không đỡ, thậm chí có trường hợp điều trị lao phổi do ho kéo dài.
Qua trường hợp này, bác sĩ Hà khuyến cáo, đối với người lớn tránh các tập quán ăn uống không tốt như ăn vội vàng, vừa ăn vừa nói chuyện cười đùa, nên ăn đồ ăn mềm, dễ tiêu, hạn chế thức ăn có mảnh xương vụn. Đối với trẻ em không để các vật dụng, đồ chơi, đặc biệt loại có kích thước nhỏ gần trẻ khi không có người lớn bên cạnh. Cẩn thận trong việc ăn uống của trẻ, không được bịt mũi để ép trẻ ăn hoặc cho trẻ ăn trong khi đang ngủ, không cho trẻ ăn các loại thức ăn có hạt dễ hóc như na, lạc, quất, hạt bí, hạt dưa… Nếu thấy trẻ đang ngậm hoặc ăn những thứ dễ gây nên hóc, không nên hoảng hốt, la hét, mắng trẻ vì làm như vậy trẻ sợ hãi dễ bị hóc.
Dị vật đường thở rất đa dạng, nhằm sớm phát hiện các nguy cơ dị vật đường thở, mọi người nếu ho nhiều, khó thở, khi có phản xa sặc cần đến khám, tư vấn bởi các chuyên gia hô hấp và có chỉ định soi phế quản để chẩn đoán và gắp loại bỏ dị vật đường thở kịp thời, càng sớm càng tốt để tránh biến chứng lâu dài, không chủ quan điều trị theo kinh nghiệm dân gian.
