Nguyên nhân thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em và cách phòng ngừa

Thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em là một trong những bệnh lý khá phổ biến nhất là trẻ < 2 tuổi

Sắt là yếu tố cần thiết cho sự sống, tuy lượng sắt rất ít trong cơ thể nhưng nó lại có mặt trong tất cả các tế bào và có nhiều chức năng, đặc biệt là chức năng vận chuyển oxy tới các tế bào dưới dạng Hemoglobin.

  • Phân bố sắt trong cơ thể như sau
  • 75% Heme Protein ( Hp, myoglobin)
  • 22% Hemosiderine, Ferritin
  • 3% Enzyme

Nhu cầu sắt ở trẻ em từ 1,5 – 2mg/ngày. Thức ăn là nguồn cung cấp sắt chủ yếu cho cơ thể. Sự hấp thu sắt bắt đầu từ dạ dày, ruột non nhưng nhiều nhất là đoạn tá tràng và hỗng tràng, ngoài ra sắt còn được cung cấp từ quá trình tiêu hủy hồng cầu.

Có nhiều yếu tố làm tăng việc hấp thu sắt như thịt, gan, cá làm tăng khả năng hấp thu sắt có nguồn gốc từ thực vật.

Nguyên nhân thiếu máu thiếu sắt

Do thiếu cung cấp sắt: trẻ thiếu sữa mẹ phải nuôi bằng sữa bò, tuy sữa bò và sữa mẹ đều có chất sắt như nhau nhưng trẻ bú mẹ thì hấp thu chất sắt tốt hơn, trẻ thiếu dinh dưỡng, trẻ đẻ non, sinh đôi sinh ba, nhẹ cân (< 2,5kg) lúc sinh.

Do mất máu mãn tính: chảy máu chu sinh, chảy máu đường tiêu hóa, nhiễm ký sinh trùng, đặc biệt là giun móc.

Do nhu cầu sắt cao: giai đoạn phát triển nhanh – trẻ dưới 1 tuổi, trẻ nhẹ cân, sinh đôi sinh ba, thời kỳ dậy thì, ở trẻ có bệnh tim bẩm sinh tím

Do hấp thu sắt kém: bệnh mãn tính đường tiêu hóa như tiêu chảy kéo dài, hội chứng kém hấp thu, tổn thương tá tràng, viêm ruột, điều trị kháng Acid dạ dày.

Triệu chứng lâm sàng

Các triệu chứng xuất hiện từ từ như: da xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt, trẻ mệt mỏi ít hoạt động, hay quấy khóc, biếng ăn, ít ngủ, cơ nhão, chậm biết lật, biết ngồi, biết đi. Trẻ lớn có cảm giác chóng mặt, ù tai, khó thở khi gắng sức.

Nếu không điều trị, bệnh kéo dài hơn sẽ có biểu hiện tiếp theo như: móng tay, móng chân dẹt, lõm, mất độ trơn bóng, đau nhức xương, tóc khô dễ gãy, mất gai lưỡi, dễ rối loạn tiêu hóa

Xét nghiệm

  • Công thức máu: Hemoglobin giảm
  • Phết máu sẽ thấy có hồng cầu nhỏ nhược sắc, có thể biến dạng
  • Sắt huyết thanh giảm, Ferritin giảm

Điều trị

Thiếu máu thiếu sắt mức độ nhẹ và trung bình

  • Bổ sung chế độ ăn có nhiều chất sắc nguồn gốc động thực vật và các thức ăn dễ hấp thu sắt như trứng, cá, thịt đậu nành các thức ăn giàu Vitamin C như: chanh, cà chua, khoai tây, cam, quýt
  • Giảm thức ăn làm giảm hấp thu chất sắt như: trà, Phosphat.
  • Thuốc: sắt uống, sắt nguyên tố 4-6mg/kg/ngày chia 2-3 lần uống cách xa các bữa ăn kết hợp với Vitamin C 3mg/kg/ngày để tăng hấp thu sắt ở ruột.
  • Đáp ứng điều trị: sau 7-10 ngày điều trị, Hemoglobin sẽ tăng dần trẻ hồng hơn giảm các triệu chứng, trẻ ăn khá hơn, ít quấy, ngủ tốt hơn.
  • Thiếu máu thiếu sắt mức độ nặng hoặc bệnh nhân không dung nạp đường uống phải dùng thuốc sắt tiêm bắp hoặc đường tiêm mạch. Nếu thiếu máu nặng (Hb < 5g/dl) cần phục hồi nhanh thì phải truyền khối hồng cầu.
Phòng ngừa
  • Duy trì bú mẹ ít nhất đến 6 tháng tuổi.
  • Dùng sữa có tăng cường chất sắt ( 6-12mg/l) ít nhất đến 1 tuổi, nếu phải uống sữa công thức.
  • Chế độ ăn cho trẻ có nhiều sắt.
  • Cần bổ sung sắt cho trẻ nhẹ cân, non tháng, sinh đôi sinh ba.
  • Điều trị bệnh mãn tính: tiêu chảy kéo dài, giun móc.