Mục lục
23-01-2023
Chẩn Đoán Phản Vệ
Chẩn đoán phản vệ chủ yếu dựa trên biểu hiện lâm sàng, với các triệu chứng xảy ra trong vòng vài phút đến một giờ hoặc lâu hơn sau khi tiếp xúc với tác nhân tiềm ẩn, chẳng hạn như thức ăn, thuốc hoặc côn trùng đốt.
Chẩn đoán phân biệt: một số bệnh lý khác có thể gây ra các triệu chứng tương tự như các triệu chứng của phản vệ, gồm một cơn hen cấp, đau thắt ngực, cơn hoảng loạn hoặc ngộ độc thực phẩm. Sau đợt phản vệ, việc theo dõi và đánh giá bởi bác sĩ chuyên khoa dị ứng có thể giúp làm rõ chẩn đoán.
Tryptase là một trong những hóa chất tự nhiên được giải phóng vào máu trong phản ứng phản vệ. Lượng tryptase tăng lên đôi khi có thể được đo trong mẫu máu được lấy trong vài giờ đầu tiên sau khi các triệu chứng phản vệ bắt đầu. Tuy nhiên, mức tryptase bình thường không giúp loại trừ chẩn đoán phản vệ.
Điều Trị Phản Vệ
Nhận biết, đánh giá và điều trị kịp thời là rất quan trọng trong phản vệ, vì ngừng hô hấp, ngừng tuần hoàn và tử vong có thể xảy ra trong vòng vài phút. Do đó, khi nghi ngờ có những biểu hiện của phản vệ, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Khi nghi ngờ bản thân hoặc người thân có biểu hiện của phản vệ, cần thực hiện các bước sau:
- Loại bỏ ngay nguyên nhân khởi kích nghi ngờ
- Gọi cấp cứu hoặc trợ giúp từ người thân
- Tiêm bắp adrenalin càng sớm càng tốt. Điều này chưa phổ biến tại Việt Nam.
- Đặt bệnh nhân ở tư thế nằm ngửa với hai chân được nâng cao, trừ khi đường hô hấp trên bị sưng phù rõ ràng khiến bệnh nhân phải giữ tư thế thẳng đứng (và thường nghiêng về phía trước). Nếu bệnh nhân bị nôn, có thể nên đặt bệnh nhân ở tư thế nửa nằm với hai chân nâng cao. Đặt bệnh nhân mang thai nằm nghiêng bên trái.
Khi được tiếp cận bởi nhân viên ý tế, người bệnh có thể nhận được các điều trị sau:
- Tiêm adrenalin
- Hỗ trợ hô hấp: thở oxy qua mũi, hoặc thậm chí có thể đặt nội khí quản để kiểm soát đường thở.
- Hồi sức bằng truyền dịch tĩnh mạch, và một số loại thuốc khác.
- Chăm sóc và theo dõi tại đơn vị hồi sức tích cực đến khi tình trạng bệnh ổn định.
Người bệnh nếu được tiếp cận và điều trị sớm, đa phần có thể hồi phục hoàn toàn, nhanh chóng, và không để lại di chứng. Mặc dù vậy, một số trường hợp phản vệ có thể diễn tiến rất nặng, đáp ứng kém với điều trị ban đầu, biểu hiện suy đa tạng cần phải hỗ trợ bởi nhiều trang thiết bị cao cấp và phức tạp.
Có tới 20% trường hợp mắc phản vệ hai pha, tức các triệu chứng ban đầu đã hồi phục, và sau đó tái phát mà không phải do tiếp xúc lại với dị nguyên. Không có cách nào đáng tin cậy để dự đoán liệu phản ứng hai pha có xảy ra hay không, do vậy, người bệnh cần được theo dõi tại bệnh viện trong 24-72 giờ để kịp thời phát hiện và xử trí khi xuất hiện phản vệ hai pha.
Phòng Ngừa Phản Vệ
Biện pháp phòng ngừa phản vệ quan trọng, hiệu quả và được xem là duy nhất là nhận biết dị nguyên và tránh tiếp xúc với dị nguyên.
Nếu một người đã có một phản ứng phản vệ, người đó có nhiều nguy cơ mắc các phản ứng phản vệ sau đó. Các bước sau đây có thể giúp giảm nguy cơ xảy ra phản ứng phản vệ trong tương lai:
Xét nghiệm để xác định dị nguyên: Bác sĩ chuyên khoa miễn dịch – dị ứng có thể thực hiện và giải thích các xét nghiệm da hoặc máu để xác nhận các tác nhân gây phản vệ cụ thể. Để có kết quả đáng tin cậy nhất, các xét nghiệm da nên được thực hiện ít nhất bốn tuần sau khi xảy ra phản ứng phản vệ vì nếu thực hiện quá sớm, các xét nghiệm đó có thể cho kết quả âm tính giả. Thuốc kháng histamine và một số loại thuốc khác cần phải ngừng sử dụng ít nhất bốn ngày trước khi thực hiện các xét nghiệm da.
Trong một số trường hợp, các xét nghiệm dị ứng không xác định được bất kỳ tác nhân cụ thể nào. Tình trạng này được gọi là phản vệ vô căn. Một số người có quá nhiều tế bào mast hoặc tế bào mast hoạt động quá mức, điều này phổ biến ở người lớn hơn ở trẻ em.
Tránh các yếu tố kích hoạt: Khi đã xác định được yếu tố kích hoạt, bạn nên tránh tiếp xúc nó. Tuy nhiên, có thể khó tránh một số tác nhân, chẳng hạn như thực phẩm thông thường.
- Thực phẩm: Nếu bạn từng bị phản ứng phản vệ do một loại thực phẩm, bạn nên loại bỏ thực phẩm đó khỏi chế độ ăn uống của mình. Điều này đòi hỏi bạn phải đọc và hiểu nhãn thực phẩm, đồng thời hỏi về cách chế biến và thành phần của tất cả các loại thực phẩm, đặc biệt là khi ăn xa nhà. Khuyến nghị này áp dụng cho các bữa ăn nhẹ cũng như bữa ăn chính, cũng như mọi thứ bạn định ăn, không chỉ các loại thực phẩm có nhiều khả năng chứa dị ứng nguyên nhất.
- Côn trùng đốt: Những người bị dị ứng với côn trùng đốt (ong vàng, ong bắp cày hoặc kiến lửa) nên tránh những nơi nhìn thấy những loài côn trùng này.
- Thuốc men: Nếu bạn bị dị ứng với một loại thuốc, bạn nên tìm hiểu và ghi lại tất cả các tên gọi khác nhau của loại thuốc đó và hoàn cảnh mà bạn có thể gặp phải loại thuốc đó, cung cấp thông tin về thuốc gây dị ứng cho các cơ sở y tế mà bạn đến thăm khám.
- Đeo thẻ nhận dạng y tế: Những người từng bị phản ứng phản vệ nên cân nhắc đeo vòng tay nhận dạng y tế hoặc thẻ nhận dạng y tế. Thẻ này điền đầy đủ các loại dị ứng nguyên mà bạn đã gặp phải, phòng khi nếu một phản ứng khác xảy ra và bạn quá yếu để giải thích tình trạng của mình, thì thẻ sẽ cung cấp những thông tin hữu ích phục vụ cho chẩn đoán và điều trị kịp thời, cũng như phòng ngừa các đợt phản vệ tương tự.

ThS.Bs.CK1 Phan Văn Bạc – Khoa Hồi sức Lọc thận
——
Video Câu Lạc Bộ Sức Khỏe Hoàn Mỹ