Mục lục
01-03-2023
Chị N. cho biết, sáng cùng ngày nhập viện, chị vô tình bị đầu tôm đâm phải vào cẳng chân trái và bắt đầu có biểu hiện sưng đau tại chỗ. Vài giờ sau đó, tình trạng của chị tiến triển nhanh và nặng dần, bắt đầu xuất hiện nhiều mảng hoại tử đen, bỏng nước lan rộng đến cẳng chân, bàn chân và đùi trái.
Qua thăm khám ban đầu, các bác sĩ nhanh chóng nhận định đây là trường hợp nhiễm trùng huyết nặng, viêm mô tế bào lan tỏa vùng cẳng chân và đùi trái, nghi ngờ viêm cân mạc hoại tử (thuật ngữ tiếng Anh là necrotizing fasciitis). Người bệnh lập tức được hồi sức tích cực, chỉ định sử dụng kháng sinh, cấy máu để xác định chủng vi khuẩn gây bệnh và thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán ban đầu.
Kết quả định danh vi khuẩn cho thấy, chị N. đã mắc phải vi khuẩn Vibrio vulnificus (còn được gọi là vi khuẩn ăn thịt người) – một loại vi khuẩn gram âm hình que, di động, xuất hiện ở khắp mọi nơi, chủ yếu là vùng nước mặn, nước lợ ven biển. Đây là một loại vi khuẩn thuộc nhóm Vibrio (Vi khuẩn gây bệnh dịch tả). Chúng thường sống ký sinh trong các loài thủy sinh có vỏ như tôm, hàu,…
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (Centers for Disease Control and Prevention – CDC) của Hoa Kỳ, hiện nay có khoảng 12 loài Vibrio gây bệnh cho người, trong đó có khoảng 100 ca tử vong ở Mỹ mỗi năm, cùng với đó gây ra khoảng 80.000 trường hợp bệnh, 52.000 trong số đó là do ăn hải sản bị ô nhiễm. Theo CDC Hoa Kỳ, nhiều người bị nhiễm trùng vết thương do Vibrio vulnificus cần được chăm sóc đặc biệt hoặc cắt cụt chi và khoảng 20% tử vong dù đã được điều trị tích cực. Các trường hợp nguy cơ cao có thể làm bệnh tiến triển nặng đe dọa tính mạng bao gồm mắc các bệnh lý mạn tính như bệnh lý gan mạn, suy thận, các bệnh lý suy giảm miễn dịch như đái tháo đường, hội chứng Cushing, người bệnh đang điều trị với các loại thuốc ức chế miễn dịch,… Trường hợp của chị N. có tiền căn Cushing do thuốc và viêm đa khớp dạng thấp, khả năng cao chị đã nhiễm loại vi khuẩn này thông qua vết thương do đầu tôm gây ra, nhanh chóng lan rộng đến lớp mô sâu dưới da, gây nên tình trạng viêm cân mạc hoại tử và nhiễm khuẩn huyết nặng.
Chẩn đoán sớm nhiễm vi khuẩn Vibrio vulnificus là rất quan trọng vì bệnh tiến triển vô cùng nhanh chóng, vi khuẩn xâm nhập sẽ phá hủy mô liên kết dưới da và mô cơ, gây ra tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân, suy đa tạng và tử vong, đặc biệt trên những người có nguy cơ cao. Tùy thuộc vào giai đoạn bệnh và tình trạng bệnh nhân lúc nhập viện, việc điều trị có thể chỉ cần hồi sức ban đầu và sử dụng kháng sinh đặc hiệu cho vi khuẩn, hoặc nghiêm trọng hơn là cần phải giải quyết ổ nhiễm trùng bằng phẫu thuật rạch dẫn lưu hay thậm chí phải cắt bỏ phần chi bị ảnh hưởng. Nếu người bệnh đến trễ khi đã có biểu hiện suy đa tạng, ngoài các biện pháp kể trên, thì có thể cần được hỗ trợ bằng các biện pháp lọc máu ngoài cơ thể.

Bất kỳ ai cũng có thể nhiễm trùng vết thương do vi khuẩn Vibrio vulnificus, đặc biệt là những người có sở thích ăn hải sản sống, chín tái, hoặc có vết thương hở và tiếp xúc với môi trường nước biển ấm có vi khuẩn Vibrio vulnificus sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Những người có bệnh lý nền mạn tính như viêm gan, suy giảm chức năng miễn dịch sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Những dấu hiệu cảnh báo nhiễm vi khuẩn Vibrio vulnificus bao gồm:
- Cơn đau tăng dần ở vùng quanh vết thương (vị trí vi khuẩn xâm nhập)
- Vùng vết thương bị sưng, nóng, đỏ và đau. Cơn đau tăng dần tại vị trí vết thương.
- Các triệu chứng khác: mệt mỏi, sốt, buồn nôn…
Sau 3-4 ngày, những dấu hiệu trên sẽ tiến triển nặng dần, bao gồm: sưng tấy, mảng da lớn chuyển thành tím, có mụn nước có dịch sẫm với mùi khó chịu, xuất hiện tình trạng bong da, tuột da khi hoại tử mô diễn ra.
Nếu không được xử lí và điều trị kịp thời, người bệnh sẽ rơi vào trạng thái tụt huyết áp nghiêm trọng, hôn mê, sốc nhiễm độc, tiên lượng tử vong cao.
Các bác sĩ khuyến cáo không nên ăn hải sản chưa được nấu chín kỹ; chú ý an toàn khi tham gia các hoạt động tiếp xúc với môi trường nước khi có vết thương hở. Đồng thời nhanh chóng đến các cơ sở y tế gần nhất khi vết thương có biểu hiện sưng đau, nóng, đỏ, nổi ban, bọng nước … sau khi nghi ngờ tiếp xúc nguồn bệnh./.
