Giun sán và những điều lưu ý về thuốc điều trị

Khi bị nhiễm giun sán bạn có thể gặp phải những rắc rối như: đau bụng, tiêu chảy, ngứa hậu môn, nôn và buồn nôn…. Đây là các triệu chứng thường gặp của rối loạn tiêu hóa gây suy dinh dưỡng, thiếu máu, thiếu sắt,…

Tại sao chúng ta cần điều trị giun, sán?

  • Ở trẻ em bị giun sán thường biếng ăn, còi cọc suy dinh dưỡng.
  • Ở thai phụ: nhiễm giun kéo dài có thể gây suy dinh dưỡng, thiếu máu, thiếu sắt, các bệnh lý về gan, phổi… cho thai phụ, điều này cũng khiến thai nhi bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển…

Những người cao tuổi sức khỏe yếu, nếu nhiễm giun còn có thể gây nên tình trạng suy nhược nghiêm trọng hơn những đối tượng khác.

Không chỉ cư trú ở đường ruột, một số trường hợp giun nhiều có thể giun chui vào ống mật, tắc ruột, áp xe gan do sán lá… Đặc biệt 1 số trường hợp ấu trùng giun sán lạc chỗ, có thể chui lên não, chui vào mắt gây các biến chứng nặng nề hoặc tử vong.

Do đó, việc tẩy giun theo định kỳ là việc làm cần thiết không chỉ đối với trẻ em mà cả ở người lớn.

Các đường lây truyền của giun sán?

Các loài giun sán lây truyền chủ yếu qua đường tiêu hóa, trung gian quan trọng là bàn tay. Khi một thành viên trong gia đình mắc bệnh, những người khác cũng rất bị lây nhiễm. Vì vậy, bác sĩ khuyên chung ta cần tẩy giun cùng lúc cho cả nhà mới đem lại hiệu quả

Điều trị giun sán như thế nào?

Nguyên tắc điều trị bệnh giun sán

Muốn điều trị bệnh giun sán có hiệu quả, cần bảo đảm các nguyên tắc cơ bản như:

  • Phải chẩn đoán đúng nhiễm giun sán và mức độ bằng các xét nghiệm liên quan.
  • Chọn lựa thuốc có hiệu quả điều trị cao.
  • Cũng ngay sau khi tẩy giun, cần áp dụng các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống và vệ sinh môi trường sống để phòng chống sự tái nhiễm. Ở nước ta, môi trường ngoại cảnh thường bị ô nhiễm nặng nề với các mầm bệnh giun sán và đây là cơ sở tạo điều kiện thuận lợi cho sự tái nhiễm giun sán trở lại.
  • Đồng thời phải điều trị tẩy giun sán định kỳ.

Nguyên tắc lựa chọn thuốc trị giun sán

Nhiều loại thuốc điều trị giun trước đây đã bị bỏ vì phải dùng số lượng nhiều (piperarin) hay gây dị ứng nặng có thể gây tử vong.

Đặc điểm cơ bản của việc lựa chọn các thuốc trị giun hiện nay như sau:

  • Lựa chọn thuốc phổ rộng, hiệu lực cao, thời gian điều trị ngắn (có thể dùng 1 lần). Phải chọn loại thuốc có độc tính thấp nhưng có hiệu quả cao.
  • Thuốc ít tác dụng phụ, nhất là khi cần điều trị dài ngày.
  • Nếu cần thiết thì nên xét nghiệm để xác định loại giun sán bị nhiễm để dùng thuốc đặc hiệu.

Những lưu ý khi dùng thuốc tẩy giun

  • Đối với trẻ em, việc tẩy giun định kỳ chỉ nên bắt đầu thực hiện khi trẻ được 24 tháng tuổi trở lên, nghĩa là không dùng thuốc tẩy giun cho trẻ dưới 2 tuổi.
  • Đối với người lớn: Hầu hết các loại thuốc tẩy giun đều không được dùng cho phụ nữ có thai và cho con bú vì thuốc gây độc trên thai nhi và trẻ sơ sinh.
  • Trường hợp thai phụ nghi ngờ bị nhiễm giun sán nặng và có ý định tẩy giun thì nhất thiết phải hỏi ý kiến bác sĩ thật cẩn thận. Nếu thấy thật cần thiết, các bác sĩ có thể kê đơn an toàn cho thai phụ tẩy giun. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, phụ nữ có thai nhiễm giun sán nặng nên tẩy bằng thuốc có chứa Praziquantel, Mebendazol hoặc Abendazol nhưng nên đợi sau quý I của thai kỳ.
  • Đối với các loại giun sán cần dùng thuốc điều trị dài ngày thì phải hỏi ý kiến của bác sĩ, không nên tự mua thuốc về uống.
  • Thuốc tẩy giun có thể gây ra một số phản ứng phụ như đau đầu, chóng mặt, rối loạn tiêu hóa, đau bụng, buồn nôn và tiêu chảy thoáng qua, những triệu chứng này thường nhẹ và sẽ tự khỏi. Trong một số ít trường hợp, trẻ có thể có phản ứng với thuốc bằng các triệu chứng dị ứng, phát ban, ngứa, nổi mề đay. Khi đó, cha mẹ nên đưa bé đi khám để được bác sĩ tư vấn cách xử lý phù hợp.
  • Hiện nay thuốc có thể được uống trong hoặc ngay sau bữa ăn, không cần nhịn đói hay ăn kiêng, cũng không phải dùng thuốc xổ.
  • Các gia đình nên có kế hoạch điều trị định kỳ tối thiểu từ 6 tháng đến 12 tháng một lần để phòng chống tái nhiễm và tránh các biến chứng có thể xảy ra.

Phòng tránh nhiễm giun sán bằng cách nào?

  • Chúng ta nên hiểu rằng, sử dụng thuốc điều trị giun chỉ là việc tiêu diệt giun chứ không có tác dụng phòng tránh nhiễm giun. Do đó, ý thức phòng bệnh phải luôn luôn được đề cao. Đặc biệt, đối với trẻ nhỏ, cha mẹ cần phải hết sức chú trọng việc giáo dục cho trẻ thực hiện chế độ vệ sinh trong mọi mặt của cuộc sống.
  • Vệ sinh cá nhân: cắt ngắn móng tay, giặt giũ phơi nắng áo quần, chăn chiếu để đề phòng trứng giun rớt ra bám vào; không chơi nghịch đất cát, ngậm mút ngón tay, rửa tay sau khi đi vệ sinh.
  • Vệ sinh ăn uống: rửa tay xà phòng trước khi ăn, giữ vệ sinh tay sạch sẽ giúp giảm lây truyền các bệnh truyền nhiễm. Thức ăn gồm thịt, cá, rau quả tươi sống đều có khả năng bị nhiễm trứng giun sán, vì vậy không nên ăn thịt cá tái, gỏi hay chưa nấu chính kỹ, tốt nhất ăn thức ăn đun nấu chín kỹ, và rau sạch.
  • Vệ sinh môi trường: thường xuyên lau quét sàn nhà, rửa sạch đồ chơi trẻ em đặc biệt ở môi trường công cộng như trường học. Không dùng phân tươi bón cho hoa màu.
  • Tẩy xổ giun định kỳ 6 tháng một lần đối với cả người lớn và trẻ nhỏ.
  • Nếu có kế hoạch mang thai, bạn càng nên tẩy giun an toàn trước đó.