Phương pháp giữ ấm cho trẻ khi trời trở lạnh

Khi trời trở lạnh, do trẻ rất nhạy cảm với sự thay đổi nhiệt độ bên ngoài nên thường đưa đến tình trạng thân nhiệt bị giảm đột ngột. Điều này cũng sẽ làm tiêu hao năng lượng cơ thể và tạo điều kiện cho những virus mầm bệnh phát triển.

Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là hoàn toàn không cho trẻ ra ngoài trời lạnh mà phụ huynh cần biết rằng: không khí lạnh ở dạng khô luôn tốt hơn là dạng ẩm ướt, và cần chọn những loại quần áo mềm, nhẹ, có tính giữ ẩm cao đều rất tốt cho trẻ.

Cha mẹ có thể mặc quần áo cho con theo cách tương tự với người lớn nhưng cộng thêm lớp quần áo cotton mỏng bên trong, giúp thấm mồ hôi tốt. Nếu bạn đang mặc một áo phông dài tay và quần jeans trong ngày nắng ấm thì trẻ cũng thoải mái với trang phục tương tự nhưng nên có thêm một áo lót bên trong. Nếu bạn cần khoác thêm áo len thì trẻ cũng vậy.

Luôn giữ nhiệt độ trong nhà ấm áp. Đó là nhiệt độ thoải mái mà trẻ không cần được ủ ấm quá nhiều. Tránh những nơi có gió lùa trực tiếp. Không đặt trẻ gần một cửa số đang mở, cửa chính đang mở hoặc những khe cửa nhiều gió. Ngay cả quạt trần với người lớn là mát mẻ nhưng với trẻ là đủ tạo lên gió lạnh.

Mặc cho trẻ một vài lớp áo để dễ dàng cởi bỏ những lớp áo bên ngoài khi không cần thiết.

Đội mũ cho trẻ để giữ cho đầu của trẻ ấm áp trong thời tiết lạnh. Không để tóc trẻ bị ướt khi đội mũ.
Tuy nhiên, không nên ủ ấm trẻ quá mức. Trẻ cần được giữ ấm nhưng không phải quá nóng. Nên loại bỏ bớt quần áo cho trẻ khi nhiệt độ tăng lên.

Xem thêm: Cách xử lí dị vật đường thở ở trẻ em

Các loại găng tay, vớ, giày cao cổ hoặc đồ che chắn … có tác dụng giữ ấm cũng được khuyến khích sử dụng thêm cho trẻ nếu cảm thấy cần thiết.

Khi trẻ được 2 tuổi, có thể cho trẻ vận động cơ thể cũng là 1 cách giữ ấm hiệu quả và mặc thêm áo quần ấm áp nhưng không nên nhiều quá, vì sự trái ngược giữa nhiệt độ cơ thể và thời tiết bên ngoài sẽ làm trẻ đổ mồ hôi, gây cảm giác lạnh có thể dẫn đến hắt hơi nhảy mũi.

Trường hợp các trẻ đi học, hãy hướng dẫn cho trẻ biết cách tự mặc hoặc cởi bỏ quần áo ấm khi cần để tránh trường hợp thầy cô giáo không có thời gian kiểm soát chu đáo cho trẻ.

Vào mùa lạnh da trẻ thường khô do tiếp xúc trước gió, nhất là các loại da có độ ẩm cao vì vậy cho trẻ uống đủ nước cũng là cách giúp da không bị khô, nứt.

Khi trẻ bị nhiễm lạnh dẫn đến tình trạng chảy mũi, hắc hơi, ho, nặng hơn là khò khè, thở nhanh hoặc khó thở… phụ huynh hãy đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa Nhi để được thăm khám và tư vấn, điều trị tùy theo tình trạng bệnh và nhớ đừng nên tự ý mua thuốc cảm vì sẽ không an toàn cho trẻ.