Hướng dẫn sơ cứu nhanh khi bị bỏng

Bỏng là tai nạn rất dễ gặp chỉ cần một sơ suất nhỏ. Có nhiều nguyên nhân gây nên bỏng như bỏng do lửa, do hơi nóng, hóa chất…

Tùy từng tác nhân gây bỏng mà ta có cách sơ cứu, xử lý vết bỏng khác nhau để tránh các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh.

Nguyên nhân bỏng

  • Do nước canh nóng, nước đun sôi … đổ vào người gây bỏng.
  • Do trong quá trình đun nấu vô ý chạm vào lửa khiến bị bỏng hoặc trẻ nhỏ nghịch lửa nên bị bỏng.
  • Do bị bỏng khi gặp đám cháy lớn.

Sơ cứu khi bị bỏng

Nhanh chóng để vùng bị bỏng ngâm vào chậu nước nguội sạch hoặc đưa vùng bỏng vào dưới vòi nước và xả nước cho vòi chảy nhẹ nhàng trong khoảng 15-20 phút.

  • Việc làm này sẽ giúp vết bỏng được dịu bớt đau rát, giảm sưng, giảm độ sâu của vết bỏng và làm sạch vùng bị bỏng tránh các viêm nhiễm.
  • Nếu vết bỏng nhẹ, diện tích da bị bỏng nhỏ, thì sau một thời gian chăm sóc tại nhà da vùng bỏng có thể tự liền lại.

Nhưng nếu vết bỏng ở diện tích rộng, nặng hơn thì sau khi sơ cứu cần nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời.

  • Dùng gạc vô khuẩn hoặc miếng vải sạch băng vùng bị bỏng lại, tránh bụi bẩn vào vết bỏng.

Những điều không nên làm khi bị bỏng

  • Không làm vỡ mụn nước: Làm vỡ mụn nước nguy cơ bị nhiễm trùng sẽ tăng.
  • Không được bôi bất cứ thứ gì vào vết bỏng như muối, mỡ trăn, kem đánh răng …
  • Không dùng đá để làm mát vết bỏng.
  • Tránh việc áo quần dính chặt vào vết bỏng khiến vết bỏng bị đau rát, dễ viêm nhiễm.

Nên nhẹ nhàng tháo bỏ các tư trang cá nhân, vòng lắc hoặc đồng hồ, giày dép … trước khi vết bỏng bị sưng nề.