Viêm mũi thai kỳ và cách điều trị

Viêm mũi thai kỳ là gì?

Viêm mũi thai kỳ là bệnh khá phổ biến ở phụ nữ mang thai, ước tính lến đến 20% triệu chứng của thai kỳ. Bệnh được phát hiện trong những năm gần đây do có liên quan đến hội chứng ngáy, hội chứng ngưng thở lúc ngủ của thai phụ, thúc đẩy tiền sản giật, cao huyết áp thai kỳ, chậm phát triển thai nhi…

Bệnh thường xuất hiện 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ với triệu chứng nghẹt mũi, không do nguyên nhân dị ứng hay viêm nhiễm và các triệu chứng khỏi hoàn toàn trong 2 tuần sau sinh.

Tác nhân gây bệnh

  • Tác nhân gây viêm mũi thai kỳ được biết đến nhiều nhất là hormone Estrogen của nhau thai, nó kích thích làm phù nề niêm mạc mũi. Ngoài ra Estrogen của nhau thai còn làm tăng các thụ thể histamin trong tế bào và các mạch máu nhỏ gây sung huyết, phì đại cuốn mũi.
  • Yếu tố nguy cơ gây bệnh là hút thuốc lá (chủ động hay thụ động), khói, bụi nhà… Các nghiên cứu cho thấy niêm mạc mũi của bệnh tương tự như viêm mũi dị ứng.

Những triệu chứng của bệnh

  • Biểu hiện đặc trưng bởi nghẹt mũi kéo dài ≥ 6 tuần trong khi mang thai, khỏi hoàn toàn trong vòng 2 tuần sau sinh. Tránh nhầm lẫn với các bệnh khác như viêm xoang cấp, viêm mũi dị ứng, viêm mũi do thuốc, nhiễm trùng đường hô hấp…
  • Ngoài triệu chứng tắc nghẹt mũi, bệnh nhân còn có triệu chứng chảy nước mũi. Viêm mũi dị ứng có thể xảy ra trong thai kỳ nhưng nó không giống viêm mũi thai kỳ (tắc nghẹt mũi là chính), viêm mũi dị ứng có thêm ngứa mũi và hắt hơi.
  • Nghẹt mũi làm thai phụ phải thở miệng nên suy giảm hô hấp khí NO (được tạo ra chủ yếu ở xoang hàm) gây tăng huyết áp mẹ, chậm phát triển thai trong tử cung, tiền sản giật…Ngoài ra, nghẹt mũi còn gây khó ngủ cho thai phụ.

Điều trị bệnh như thế nào?

  • Cần gặp bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng để được tư vấn và hiểu rõ về bệnh, từ đó giảm lạm dụng thuốc thông mũi, giảm viêm mũi do thuốc.
  • Uống nhiều nước lọc, tập thể dục nhẹ nhằm kiểm soát cân nặng cho thai phụ có ích cho việc cải thiện giấc ngủ.
  • Nâng cao đầu giường từ 30 – 40 độ giúp cải thiện tắc nghẹt mũi trong đêm.
  • Nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý giúp giảm các triệu chứng nghẹt mũi, chảy mũi. Phương pháp xông tinh dầu cũng giúp thông mũi cho thai phụ.
  • Các thuốc được sử dụng khi viêm mũi thai kỳ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của thai phụ như: Thuốc thông mũi giao cảm, kháng histamine và corticosteroid.

Tuy nhiên khi sử dụng thuốc cần theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng, không được tự ý dùng thuốc.