Cách phòng ngừa ung thư cổ tử cung

Bệnh ung thư cổ tử cung hình thành ở biểu mô cổ tử cung. Ung thư cổ tử cung phát triển khi các tế bào bất thường ở niêm mạc cổ tử cung bắt đầu nhân lên một cách khó kiểm soát và sau đó tập hợp thành một khối u lớn.

Tuổi thường gặp của ung thư cổ tử cung là khoảng 30- 59 tuổi, nhiều nhất ở độ tuổi 45-55, rất hiếm ở phụ nữa dưới 20.

Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung là quá trình viêm nhiễm kéo dài được gây ra bởi loại virus nhóm papilloma có tên gọi là Human Papilloma Virus (HPV). Khoảng 70% các trường hợp bệnh có liên quan đến việc bị nhiễm HPV.

Hay nói cách khác, chính việc bị nhiễm HPV qua đường sinh hoạt tình dục đã gây ra những biến đổi ở mức độ tế bào và gây ra 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung

Các yếu tố khác phối hợp gây ung thư cổ tử cung:

1. Hoạt động tình dục sớm.

2. Có nhiều bạn tình.

3. Vệ sinh sinh dục kém.

4. Hút thuốc lá.

5. Suy giảm miễn dịch (nhiễm HIV, AIDS)

Nhiễm HPV (16, 18) và các yếu tố nguy cơ kể trên xảy ra trên một cơ địa có tố bẩm về di truyền và miễn dịch là nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung.

Triệu chứng ung thư cổ tử cung

Những phụ nữ khi mắc ung thư cổ tử cung ở giai đoạn đầu hoặc có những tổn thương về tiền ung thư thì thường không có hay có ít các triệu chứng đặc hiệu nào về bệnh.

Dấu hiệu ung thư cổ tử cung chỉ xuất hiện rõ ràng khi các tế bào ác tính phát triển nhanh và xâm lấn vào các tổ chức lân cận. Khi hiện tượng này xảy ra, các triệu chứng bệnh bao gồm:

  • Chảy máu âm đạo bất thường: Chảy máu sau khi quan hệ tình dục, chảy máu khi đã mãn kinh, chảy máu ngoài kỳ kinh, hoặc kỳ kinh kéo dài bất thường. Một số trường hợp bệnh nhân chảy máu sau khi thụt rửa âm đạo hoặc khám vùng chậu.
  • Tiết dịch âm đạo bất thường: Dịch có thể lẫn máu, có màu vàng, xuất hiện giữa kỳ kinh hoặc sau mãn kinh.
  • Đau khi giao hợp.
  • Đau vùng chậu.
  • Đau hoặc phù chân.

Chẩn đoán ung thư cổ tử cung

+ Phiến đồ tế bào học cổ tử cung ( phiến đồ Pap )

+ Xét nghiệm HPV

+ Soi cổ tử cung

+ Sinh thiết cổ tử cung

Cách phòng ngừa ung thư cổ tử cung

+ Khám phụ khoa định kì 6 tháng/lần, để phát hiện sớm các bệnh phụ nữ thường gặp

+ Tiêm vắc xin HPV phòng ngừa ung thư cổ tử cung: Cách này giúp giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung bằng cách ngăn ngừa nhiễm các chủng vi rút HPV gây ung thư phổ biến nhất.

Cần tiêm đủ 3 mũi vắc xin trong vòng 6 tháng. Nữ giới trong độ tuổi 9-10 đến 25-26 tuổi, chưa hoặc đã có quan hệ tình dục đều có thể tiêm ngừa.

+ Xét nghiệm PAP smear: Xét nghiệm này giúp phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường sớm để điều trị kịp thời, giảm nguy cơ các bất thường này tiến triển thành ung thư cổ tử cung.

Xét nghiệm này dành cho người đã có quan hệ tình dục và cần thực hiện thường qui mỗi năm 1 lần hoặc kết hợp xét nghiệm PAP và HPV mỗi 3 năm.

+ Chung thủy 1 vợ 1 chồng, không quan hệ với nhiều bạn tình.

+ Thực hiện kế hoạch hóa gia đình, không đẻ nhiều con.

+ Thực hiện an toàn tình dục: sử dụng biện pháp tránh thai an toàn.

+ Tránh xa thuốc lá, và các chất kích thích.

+ Vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục hàng ngày, trước và sau khi quan hệ.