Kịp Thời Cấp Cứu Cụ Ông Bị Vỡ Phình Động Mạch Chủ Hiếm Gặp

14-02-2023

Tuy nhiên, những biểu hiện của bệnh lý động mạch chủ thường mơ hồ, diễn tiến âm thầm, triệu chứng thường bị nhầm lẫn với các bệnh lý nội khoa khác, làm người bệnh dễ dàng bỏ qua. Phần lớn người bệnh đến bệnh viện trong tình trạng bệnh tiến triển nặng, hoặc trong tình trạng nguy kịch tính mạng.

Vừa qua, Khoa Cấp cứu BV Hoàn Mỹ Sài Gòn đã tiếp nhận trường hợp của ông N.H.V (79 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) nhập viện trong tình trạng ngất thoáng qua, mất tri giác tạm thời, huyết động không ổn định. Qua khai thác bệnh sử, trước đó người bệnh có cơn đau bụng dữ dội, đột ngột, đau lan ra sau lưng, sau đó tình trạng đau bụng có giảm ít nhưng vẫn kéo dài liên tục. Người bệnh có tiền sử bị bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu và đã đặt 2 stent mạch vành được 3 năm. Ngay lập tức, người bệnh được cho thực hiện siêu âm bụng, kết quả cho thấy có dịch trong ổ bụng. Đồng thời, hình ảnh trên CT cắt lớp điện toán cho thấy bệnh nhân có khối phình động mạch chủ kích thước 5cm, kèm có vết loét, gây thoát dịch máu vào ổ bụng và khoang sau phúc mạc.

Hình 1. Hình ảnh CT xác định kích thước và tình trạng khối phình

Người bệnh được chẩn đoán vỡ phình động mạch chủ là một bệnh cảnh cấp cứu cực kì nguy hiểm, ekip đã tiến hành hồi sức tích cực, truyền máu và can thiệp đặt ống ghép nội mạch cấp cứu (hay thường gọi là phương pháp can thiệp đặt stent graft). ThS.BS. Lương Công Hiếu – Phó Trưởng Khoa Ngoại Tim mạch Lồng ngực chia sẻ: Đây là một trường hợp cấp cứu ngoại khoa vỡ phình động mạch chủ bụng, kèm không có động mạch chậu chung 2 bên rất hiếm. Thành động mạch của bệnh nhân xơ vữa, có vết loét sâu gây vỡ túi phình vào khoang sau phúc mạc. Huyết áp người bệnh cao có thể là một yếu tố thúc đẩy thêm. Tổng kết y văn trên thế giới, phẫu thuật mổ mở các trường hợp như vậy tỉ lệ tử vong cơ thể lên tới 50% kèm theo nhiều biến chứng làm tăng thời gian cũng như chi phí điều trị: suy thận phải lọc thận, suy gan, nhiễm trùng, viêm phổi… Hơn nữa người bệnh này lớn tuổi, có nhiều bệnh nền, đã đặt 2 stent mạch vành, nguy cơ của cuộc mổ còn cao hơn. Phương pháp can thiệp stent graft động mạch chủ có thời gian phẫu thuật ngắn hơn, giảm nguy cơ tử vong, biến chứng so với phẫu thuật mở, đặc biệt đối với các bênh nhân nguy cơ cao như trường hợp này. Bệnh nhân có phình động mach chủ kèm không có 2 động mạch chậu chung hiếm gặp (theo y văn ghi nhận chỉ có khoảng 13 ca trên toàn thế giới). Tuy nhiên, chúng tôi đã can thiệp thành công đặt stent graft, cô lập được khối phình, đồng thời bảo tồn được một nhánh động mạch chậu”.

Hình 2 : Hình chụp khi can thiệp

Sau can thiệp, sức khỏe của ông N.H.V được cải thiện dần, không xảy ra biến chứng, người bệnh xuất viện sau 5 ngày điều trị nội trú và tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ chuyên khoa.

Hình 3: MSCT 1 tháng sau can thiệp

Hiện nay, có hai phương pháp điều trị can thiệp phình động mạch chủ chính là phẫu thuật mổ mở truyền thống và đặt stent graft. Phẫu thuật mổ mở truyền thống có nguy cơ biến chứng cao, khả năng phục hồi chậm hơn. Thay vào đó, can thiệp nội mạch qua đường ống thông mang lại hiệu quả điều trị tốt, nguy cơ biến chứng thấp, rút ngắn thời gian phẫu thuật, không để lại sẹo nên ngày nay càng được áp dụng rộng rãi hơn so với phương pháp mổ mở truyền thống./.

ThS.BS. Lương Công Hiếu – Phó Trưởng Khoa Ngoại Tim mạch Lồng ngực

—–

Câu Lạc Bộ Sức Khỏe Hoàn Mỹ Sài Gòn

Phình động mạch chủ: Nhận biết và điều trị | Khoa Ngoại Tim mạch 

Viết một bình luận