Lịch khám thai mẹ bầu cần biết

Mang thai là niềm hạnh phúc của người mẹ và các ông bố, do đó để có một thai kỳ khỏe mạnh lại càng hạnh phúc hơn. Vì vậy trong quá trình này các mẹ bầu cần nắm được lịch khám thai và đi khám đều đặn suốt thai kỳ.

Mục đích khám thai là để theo dõi sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi, trong suốt quá trình mang thai. Việc khám đều đặn giúp phát hiện sớm những bệnh tiềm ẩn hoặc các dấu hiệu bất thường cho cả mẹ và bé là điều vô cùng quan trọng.

Sau đây là lịch khám thai mà mẹ Bầu cần biết:

Khi có thai các mẹ Bầu nên bắt đầu đi khám định kỳ từ thời điểm trễ kinh 1-2 tuần đến lúc sinh con.

Giai đoạn 1: Từ lúc bắt đầu có thai đến khi thai được 13 tuần 6 ngày. Giai đoạn này nên đi khám 2 lần.

  • Lần thứ nhất sau khi trễ kinh từ 1 đến 2 tuần

Để xác định có thai hay không, vị trí thai ở trong hay ngoài tử cung, số lượng thai, dấu hiệu bất thường của thai như thai lưu, thai trứng…

  • Lần thứ hai khi thai được 11-13 tuần 6 ngày

Siêu âm thai để đo độ mờ da gáy, làm xét nghiệm double test, xác định nhóm máu, công thức máu, xét nghiệm đường huyết, tổng phân tích nước tiểu và xét nghiệm phát hiện các bệnh lây nhiễm như rubella, giang mai, HIV, viêm gan siêu vi B…

Giai đoạn 2: Tuần thứ 14 đến 32 trong thai kỳ

Giai đoạn này nên đi khám thai mỗi tháng một lần: thường siêu âm thai, xét nghiệm nước tiểu khi thai > 20 tuần, xét nghiệm đường huyết khi thai từ 23-28 tuần, các xét nghiệm cần thiết khi có bệnh lý nội khoa kèm theo hay có nghi ngờ tiền sản giật

Giai đoạn 3: Tuần thứ 32- 35 trong thai kỳ

Nên đi khám thai 2 tuần một lần: khám vào thời điểm này là để chẩn đoán ngôi thai, sự tương xứng giữa cân nặng thai nhi và khung chậu người mẹ… từ đó có thể tiên lượng được cuộc sanh sắp tới dễ hay khó, có nguy cơ gì?

Ngoài ra những thai kỳ nguy cơ cao đã có thể phát hiện được và từ đó cho nhập viện sớm trước ngày dự sanh.

Giai đoạn 4: Tuần thứ 36 trở đi
  • Khám thai mỗi tuần một lần cho đến khi sinh con: khám để đưa ra tiên lượng về phương pháp sinh: sinh thường hay phải mổ đẻ.
  • Có thể chuẩn bị cho nhập viện, mổ chủ động khi thai đủ trưởng thành (38 tuần) đối với những trường hợp phải sanh mổ như: nhau tiền đạo, ngôi mông con to, khung chậu hẹp, vết mổ lấy thai cũ…
  • Ngoài ra, các mẹ Bầu nên chủ động đến gặp bác sĩ khi thấy có những dấu hiệu bất thường như:
    Ra huyết âm đạo hay huyết trắng nhiều.
  • Sưng phù tay, chân, mặt hoặc phù toàn thân.
  • Nhức đầu dai dẳng.
  • Mờ mắt.
  • Đau bụng.
  • Ói mửa nhiều.
  • Lượng nước tiểu giảm và tăng cân đột ngột.
  • Bụng giảm kích thước.